8.10.10

Đèo Ngang & miền Trung

Năm xưa Bà huyện Thanh Quan bước tới Đèo Ngang và thả vài lời cảm thán về nơi này. Đèo Ngang ngày đó hoang vu, thưa thớt. 200 năm sau Đèo Ngang vẫn thế, không khác mấy thời xưa. Trước 2004, mọi xe cộ trên quốc lộ 1A từ Hà Tĩnh sang Quảng Bình đều phải qua đèo này. Nhưng kể từ ngày có hầm, các xe cộ chui hết vào hầm và con đèo lại trở nên vắng lặng đến lạnh người. Chỉ có lác đác vài khách du lịch đi qua đèo Ngang để thăm quan, chứ đa số xe cộ chui qua hầm hết cả. Nên bây giờ đèo Ngang vẫn vắng lặng, cô đơn như thời Bà huyện Thanh Quan vậy.

Đèo Ngang không hùng vĩ như đèo Hải Vân, không trùng điệp như đèo Lò Xo hay những con đèo mà tôi đã đi. Nó thấp và vắng vẻ. Từ trên nhìn xuống chỉ thấy lác đác vài ngôi nhà nhỏ gần chân núi. Tôi gặp 2 em bé khoảng 6-7 tuổi, đi bộ từ dưới chân đèo lên, tay mỗi cháu cầm 1 con chim cu gáy. Khuôn mặt 2 em bé rất chất phác, da ngăm, giọng xứ Nghệ. Nhà ở chân núi, thỉnh thoảng vào núi bắt chim, vừa đi vừa cầm dọc đường, nếu gặp ai đi qua mà thích thì bán. Thái độ ngượng nghịu khi muốn bán chim nhưng không biết giá tiền, mặt cứ cúi gằm. Lí nhí mãi 2 cháu bé mới nói: con bán 50.000 được không chú. Tôi bảo, ừ, chú sẽ mua 50.000, nhưng chú đi đường dài lắm sợ không nuôi dọc đường được, nên gửi 2 con chim này để  các cháu nuôi ở nhà hoặc thả vào rừng cho nó lớn, sau này chú sẽ quay lại tìm. Các cháu bé chỉ nhà con ở chỗ kia chỗ kia. Những em bé này bảo có hôm không bán được chim thì xem có khách nào vứt các vỏ chai nước thì nhặt về bán đồng nát.

Đèo Ngang là thế, vẫn đói và nghèo. Nhiều người bảo tên của đèo nó như vận vào người. Đèo Ngang tức là đang nghèo. Chắc khi nào đèo Ngang đổi tên thành đèo Nghéo hoặc đèo Nghếch thì chắc lúc đó vùng này mới khá hơn được.

Mấy hôm nay miền Trung lại mưa lũ.
Năm ngoái khi đi qua Tây Nguyên, tôi được chứng kiến những hậu quả của cơn lũ tang thương. Dọc con đường đi không biết có bao nhiêu quả núi sạt lở như mất một nửa. Giữa đại ngàn xanh tươi của Tây Nguyên hiện lên những vạt núi đỏ quạch bị lở, vùi lấp cả đường đi, nhất là đoạn từ KonTum đến Hội An, qua đèo Lò Xo. Trên đoạn đường từ Kontum đến Ngọc Hồi (Plây Cần - ngã 3 Đông Dương) có qua thị trấn Đắc Tô. Đây là vùng trũng nhất của Tây Nguyên. Cơn lũ lịch sử 2009 ở Tây Nguyên đã đưa toàn bộ những gì nó quét ở khắp nơi tập trung về khu vực này. Lúc tôi đi Đắc Tô, cơn lũ đã rút đi từ lâu nhưng những hậu quả của nó còn nguyên đó. Con đường qua hồ Diên Bình đẹp như đường đua F1 bị lũ tràn qua, đánh nhăn nheo cả đường như tấm thảm dài bị trùng. Nhiều dân ở đó kể rằng, cơn lũ đó cuốn trôi gần hết 50 người của một làng dân tộc tít trên vùng thượng. Không chỉ thế, bao nhiêu gỗ lậu, gỗ khai thác trên rừng cũng bị lũ cuốn trôi tập trung hết về Đắc Tô. Trong thảm họa đó, người ta hớt được nhiều gỗ lắm, gia đình nhiều nhất vét được những 140m3 gỗ, lại toàn gỗ quý, bán rẻ được đâu như gần nửa tỷ. Xen kẽ giữa gỗ là có cả xác người và vô số xác gia cầm.

Câu chuyện lũ được lặp lại 1 lần nữa khi tôi qua đèo Ngang đi về phía Hương Sơn, Hà Tĩnh. Mấy người quen ở đó kể rằng, trong cơn lũ 2002 - cái năm mà huyện ủy xà xẻo tiền cứu trợ của đồng bào cả nước giúp Hương Sơn - người ta nhìn thấy hậu quả của khai thác rừng. Gỗ lậu và cả gỗ "được phép" khai thác của mấy doanh trại quân đội đã trôi về kín đặc sông Ngàn Phố. Cây cầu ở Phố Châu phải mất 3 ngày mới giải toả được gỗ để lưu thông. Còn lại trên sông thì nhiều vô số kể.

Năm nay ở Quảng Bình và Hà Tĩnh lại xảy ra lũ lịch sử. Lần này cơn lũ xảy ra như ở giữa đèo Ngang, một bên đổ về Quảng Bình, một bên đổ về Hà Tĩnh. Người ta hay nói rốn lũ, rốn bão gì đó nhưng tôi lại thấy rốn thì nó cứ nhè chỗ nào nghèo khổ nhất  mà tấn công vậy. Kể cũng tội ghê.

Chợt nhớ 2 chú bé và 2 con chim cu gáy của mình ở đèo Ngang. Tự nhủ vùng này không sao vì ven biển nên chắc không sợ lũ, chỉ sợ bão thôi.

No comments:

Post a Comment