Khổ thế, đã luôn bảo tránh xa các vấn đề chính trị chính em và những chuyện thế sự của thiên hạ thì cứ kệ nó, nhưng thấy nhiều cái cứ gai gai, lại phải vào xả vài dòng bình loạn. Cũng biết vụ bauxite này từ năm ngoái nhưng tôi chỉ lướt qua, vì biết cũng chả giải quyết được gì. Kinh nghiệm làm việc các dự án của tôi ở VN cho thấy, hầu như dự án nào cứ trình là rồi sẽ thông qua. Lần 1 chưa được thì về chỉnh sửa xào nấu số liệu rồi trình lại. Cùng lắm là lần 3 sẽ OK, xong xuôi mọi thứ.
Cái này là bệnh duy ý chí, đã gõ của là phải vào, vào là phải đi tiếp, không chấp nhận dừng hoặc quay đầu. Duy ý chí này từ cấp cao nhất. Điển hình là việc lựa chọn địa điểm lọc dầu Dung Quất hay cố đấm ăn xôi cho Vinashin.
Nhưng thôi, chuyện cũ qua rồi, cuộc sống nên nhìn về phía trước mà đi. Có điều 2 hôm nay mở báo mạng là vnexpress và vietnamnet đều thấy trực tuyến về bauxite Tây Nguyên. Cũng vẫn định kệ, đọc lướt qua cho có. Nhưng buồn quá, thấy các bác bên phản biện cứ tập trung nhăm nhe cho rằng dự án không kinh tế.
Tôi chẳng thấy thế.
Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy rằng, không gì lợi nhuận nhanh bằng việc khai thác các tài nguyên. Các cuộc chiến tranh, chinh phục, đổ máu, nát của tan xương cũng đều có nguyên nhân từ tranh chấp tài nguyên. Từ những tài nguyên quý giá như vàng, bạc, kim cương, dầu mỏ cho đến các tài nguyên thô sơ như đá, gỗ, đất đai... Coi rừng là 1 dạng tài nguyên, chúng ta thấy người ta giàu có như nào khi phá rừng để khai thác gỗ bất kể gỗ gì. Xét cho cùng đó cũng là tài nguyên và người khai thác rất có lợi nếu bỏ qua yếu tố môi trường. Tương tự là các núi đá. Đi dọc chiều dài VN, qua các tỉnh thành như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đến các tỉnh miền trung như Bình Định và thậm chí là cả 1 quả núi đá duy nhất của Tây nam Bộ ở Kiên Giang cũng bị người ta khai thác. Dù chỉ khai thác thô sơ của cá nhân như ở Ninh Bình, Thanh Hóa, cắm quả mìn nhỏ nổ vài cục đá rơi rồi dùng xe công nông chở về. Sau đó xẻ đá hoặc có nơi làm đá dăm làm đường. Và những người khai thác đó, đều giàu lên, khá lên rất nhanh so với những người khác. Có điều những người dân khai thác không có quy hoạch, nên bùn cát cứ thải hết ra đường. Nhà cửa cá nhân họ có thể giàu lên nhanh chóng nhưng môi trường xung quanh toàn bụi đá, độc hại vô cùng.
Tất cả các hoạt động khai thác tài nguyên, dù là bằng phương pháp thô sơ, thủ công hoặc số lượng tài nguyên hạn chế nhưng tất cả các hoạt động đó đều có lợi. Càng lợi nữa khi biết áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới.
Vậy thì với dự án bauxite Tây Nguyên, liệu có lợi không?
Tôi cho rằng thừa sức có lợi nhuận nếu hạ thấp yếu tố môi trường.
Một dự án khai thác tài nguyên, yếu tố quan trọng nhất để đánh giá tính khả thi của nó là trữ lượng. Môt góc rừng bé tí mà người ta còn cố đốn bằng được, và lãi lớn. Một quả núi ở Kiên Giang người ta còn khai thác trắng phớ bằng được, lấy đá dăm làm đường. Một mỏ dầu bé tẹo nhưng các công ty dầu khí vẫn tìm mọi cách để hút nó lên bằng được dù chi phí bỏ ra không nhỏ. Vậy thì mỏ bauxite ở VN mà người ta nói trữ lượng lớn thứ 3 thế giới, chả có cớ gì để mà nói là lỗ, dù tỷ lệ, thu hồi thấp đi chăng nữa . Do đó ai nói rằng khai thác bauxite là lỗ thì tôi cho rằng đó là cách nói cảm tính.
Nhưng đó cũng là ước tính của tôi khi tách vấn đề môi trường ra khỏi dự án.
Vậy thì các học giả phản biện dự án này nên chú trọng vào vấn đề môi trường hơn là vấn đề hiệu quả kinh tế. Như thế phản biện mới có sức thuyết phục. Khi nói đến kinh tế thì nhiều cái còn có công thức tính toán này kia, dễ bị bên làm dự án đưa số liệu ra để thuyết phúc. Nhưng nói đến môi trường thì ở VN chưa có nhiều kinh nghiệm trong các cách đánh giá rủi ro môi trường nên phía phản biện có vẻ hơi cảm tính. Phí quá.
Thực ra tách môi trường ra để nói cho nó dễ hiểu, chứ thực ra giải quyết yếu tố môi trường trong các dự án chính là tăng chi phí dự án. Nên đặt yếu tố này càng càng thì chi phí đầu tư ban đầu của dự án càng đắt. Hiệu quả hay không sẽ là ở chỗ này.
Trong những ngày qua, tôi thích 2 người là ông Đặng Hùng Võ, nói rằng không khai thác bauxite thì VN cũng không nghèo đi và ông Nguyên Ngọc nói rằng nếu làm bauxite thì không còn nền văn hóa Tây Nguyên, không còn dân tộc Tây Nguyên . Cả 2 ý kiến này đều rất đắt giá vậy.
Thêm 1 cái nữa là ý kiến anh Giang về bảo hiểm cho nhà máy. Thực ra cái này cũng là phái sinh của vấn đề đánh giá rủi ro môi trường. Vì bảo hiểm là dựa trên điều đó.
Còn cuối cùng: tình cảm bảo rằng tôi muốn Tây Nguyên còn nguyên vẹn như ngày xưa, nhưng lý trí nói rằng mọi việc rồi vẫn đâu vào đó thôi, tức là dự án vẫn cứ trôi.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment