5.11.10

EVN và năng lượng ở VN

EVN là tổng điện lớn nhất VN và cũng bị soi mói rất nhiều. Người dân, giới học giả, học thật cũng hay chỉ trích EVN. Nói chung EVN bị chỉ trích cũng đúng, vì nhiều vấn đề trong việc thực hiện cung cấp, thống kê tình hình điện năng, cũng như quản lý các dự án phát triển điện hơi kém. Còn thiếu điện thì không nên đổ hết tội cho EVN.

Trong kinh tế học nói chung, thống kê là một trong những phương pháp quan trọng để đưa ra các nghiên cứu cũng như các lý thuyết. Trong các hoạt động quản trị doanh nghiệp cũng thế. Những đơn vị độc quyền như EVN lẽ ra nên có thống kê đủ các thể loại thật chi tiết và công bố rộng rãi thì sau đó sẽ có những cơ quan nghiên cứu sử dụng rồi đưa ra các chiến lược phát triển.
Cả một ngành bao trùm toàn VN, ảnh hưởng tới mọi hoạt động sản xuất, đời sống mà chỉ lèo tèo vài con số thống kê sơ sơ như EVN công bố thì thật đáng buồn và đáng tiếc.

Nhiều lúc chỉ mong các bạn làm nghiên cứu kinh tế kêu ca các vấn đề này nhiều vào, hoặc thậm chí là giúp EVN tiến hành các thu thập số liệu, phương pháp luận, v.v. Nhưng cũng chẳng có ai. Hình như tất cả chỉ quen chờ sẵn nhìn những cái khó khăn và mình làm khâu cuối.

Nhưng có 1 điều thực sự là cũng phải bênh các bạn EVN ở chỗ giá điện hiện nay quá thấp. Thấp như này thì không thể có lãi nên chẳng ai đầu tư. Nên tình trạng năng lượng ở VN đang rơi vào vòng luẩn quẩn thiếu điện - giá thấp - không đầu tư - thiếu điện.

Cách đây không lâu, có 1 bác hiệp hội năng lượng nói rằng phải tăng giá điện mới giải quyết tình trạng thiếu điện, sau đó bị báo chí đánh cho te tua. Suy ngẫm thì về cơ bản bác ấy nói không sai, vì ai làm trong lĩnh vực đầu tư phát triển nguồn điện thì sẽ biết. Tuy nhiên bị công kích bởi vì thông tin trong lĩnh vực điện quá mờ nhạt để người ta không nhìn thấy được vấn đề. Khi anh đòi tăng giá nhưng dịch vụ của anh kém thì bị kêu là đúng rồi, nhất là bị mang tiếng độc quyền. Tôi nghĩ muốn tăng giá điện thì cần có 1 chiến dịch PR ầm ỹ như các bạn bên PVN chẳng hạn, tiếp đó các bạn EVN đi tiên phong trong lĩnh vực tiết kiệm điện và sau nữa là cần có các nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng của tăng giá điện với đời sống toàn dân.

Còn ở đây tôi chỉ nói về việc giá điện thấp. Ví dụ 1 case cụ thể là dùng khí để phát điện. Chu trình của nó sẽ như sau: Khai thác khí ngoài biển (1) ---> Nhà máy điện trên bờ (2) ----> Bán điện cho EVN (3) ---> bán cho nhân dân.

(1) thì đa số là thuộc về PVN hoặc các công ty nước ngoài. (2) thì có khi thuộc về EVN như nhà máy điện Bà Rịa, có khi thuộc PVN như nhà máy điện Cà Mau hoặc có khi thuộc nước ngoài như Phú Mỹ 2.2 chẳng hạn. Cái mà khiến ngành điện thiếu hiện nay là cái số (2) này.

Mỏ khí Lan Tây của BP vừa rao bán cho TNK-BP chẳng hạn, là phạm trù (1).  Giá bán khí của nó cho nhà máy điện là 2,5$/1 triệu Btu. Khí của mỏ này 1 phần dùng để chạy điện và còn lại là bán cho các nhà máy, cụm sản xuất công nghiệp dọc khu Vũng Tàu - Đồng Nai. 1 triệu BTU quy đổi năng lượng gần bằng 300 KWh điện. Tuy nhiên do nhà máy điện chạy khí có hiệu suất chỉ khoảng 30-40% nên 1 triệu BTU khí chỉ thực sự sản xuất ra gần 120 kwh điện. Tức là 50k VND tiền khí mua vào (tỷ giá 20k/1$), qua nhà máy điện sẽ thành 120k VND nếu bán được cho EVN giá 1000VND/ Kw (5cent/1kw). EVN mua điện từ đó rồi đưa lên lưới truyền tải bán cho nhân dân.  Những cái này là 1 chu trình khép kín. Giá bán đầu cuối cho EVN quyết định đến nhà máy điện, nhà máy điện lại quyết định đến giá khí. Có điều cái anh ở giữa (2) bị kẹp 2 đầu, vừa đầu vào vừa đầu ra. Nên anh đó cực khó xoay sở.

Tuy nhiên vấn đề ở chỗ giá khí 2,5$/1 triệu Btu của mỏ khí Lan Tây là cái giá từ ngày xưa, năm 2002, khi giá dầu là 30$/thùng. Chứ bây giờ nếu bán khí giá đó thì BP không thể nào xây nổi công trình để khai thác khí đưa vào bờ cho nhà máy điện. Giá hiện nay để (1) dự án khai thác khí ngoài biển có lãi, thì cũng phải gần 5$/1 triệu BTU, tức là giá đầu vào của (2) không phải là 50k VND như mua của BP nữa, mà là 100k VND, đầu ra bán 120k VND chưa tính chi phí nhà máy, tiêu hao v.v. .  Nếu lãi ít quá thì không có ai đầu tư, dẫn đến EVN không có điện để mua. Thiếu điện.
Còn EVN cũng không thể mua của (2) với giá cao vì họ bán cho nhân dân giá thấp. Mua cao mà bán sẽ lỗ.

Bài toán tương tự với các nhà máy điện khác như thủy điện hoặc nhiệt điện than. Tất cả hiện nay như  vòng luẩn quẩn không dứt. (Thủy điện thì không phải mua nhưng đầu tư lâu, tốn kém và thất thường, phụ thuộc thiên nhiên).

Năm 2006, một công ty nước ngoài định khai thác khí ở  vực biển Tây Nam Bộ, nằm giữa VN và Thái Lan. Nhà máy điện (2) dự kiến là EVN đầu tư. Họ thấy rằng nếu bán khí cho (2) với giá thấp thì không có lợi nhuận. Khu vực mỏ khí đó lại nằm giữa VN và Thái Lan. Doanh nghiệp này đề xuất là bán khí của VN cho Thái Lan với giá >7$/1 triệu BTU. Giá khí bên Thái đắt hơn ở VN rất nhiều. Mọi nghĩa vụ thuế với chính phủ VN, tỷ lệ ăn chia với VN đều hoàn thành đầy đủ, thậm chí tính ra VN còn lãi hơn rất nhiều nếu bán cho EVN. Dĩ nhiên là phương án đó không được chấp nhận.

Nhưng xét cho cùng, nếu bán cho Thái Lan mà VN được lợi hơn so với bán cho EVN thì sao? Xét trên tổng thể EVN mua rẻ thì bán rẻ cho nhân dân và cuối cùng thì chỉ người dân được lợi, chứ chính phủ bao gồm cả dự án khí + dự án điện EVN vẫn không được lợi so với nếu chỉ bán khí cho Thái Lan. Cụ thể trên bình diện quốc gia, nếu bán khí cho Thái Lan với giá 7$/1 triệu BTU thì VN có lãi rất lớn trong đó. Còn nếu bán cho EVN (2) giá 5$/1 triệu BTU  và sau đó EVN bán điện cho nhân dân giá 5,5 $/1 triệu BTU thì thực ra chính phủ đang chịu thiệt 1,5$/1 triệu BTU.

Nói cách khác là thay vì xuất khẩu tài nguyên, chúng ta đang giữ tài nguyên đó để người dân được sử dụng với giá rẻ. Tương tự là với than. Than bán trong nước rẻ hơn nhiều so với xuất khẩu. Tuy nhiên do thành thói quen nên rất nhiều người nghiễm nhiên cho rằng họ phải được hưởng các nguồn năng lượng đó với giá rẻ. Điều này sẽ đòng nghĩa với nền sản xuất được hỗ trợ bởi năng lượng giá rẻ chứ chưa hướng đến tính cạnh tranh. Cũng may giá điện sản xuất ở VN cao hơn giá điện tiêu dùng, cái đó sẽ làm cho doanh nghiệp đỡ bất ngờ khi không còn được hỗ trợ năng lượng nữa.

Bây giờ gặp phải vấn đề rất lớn là vài năm tới các mỏ khí của VN cạn kiệt nhanh, tức là không còn đủ khí đốt cung cấp cho phát triển đất nước. Người ta đang lên phương án nhập khẩu khí từ nước ngoài. Thế nhưng giá khí nhập khẩu toàn 12-15$/1 triệu BTU. Lý do vì các nước trên thế giới và khu vực có giá khí cao hơn ở VN rất nhiều. Tương tự là sắp tới phải nhập khẩu than cho hàng loạt dự án nhiệt điện.
Hướng đi đó hiện vẫn chưa biết sẽ giải quyết như nào.

Nhìn như vậy quay qua VN mới giật mình thấy: chúng ta đang sống dựa rất nhiều vào năng lượng giá rẻ. Năng lượng dù là nước, than hay khí thì đó đều là tài nguyên và đã là tài nguyên thì không thể vô tận được. Đất nước như 1 công trường khai thác tài nguyên, từ dầu, khí, than đá, các loại mỏ, đến đất đá, rừng cây. Có điều tài nguyên của VN đang cạn kiệt khá nhanh nhưng người ta chưa có thói quen tiết kiệm năng lượng. Những cái này cần có thống kê và nghiên cứu cụ thể hơn nhưng nhìn nhận sơ bộ tôi đã thấy điều đó.

Tuy nhiên thông thường để tiết kiệm năng lượng thì có 1 cách hữu hiệu nhất, nhanh nhất là tăng giá. Khi giá vẫn còn rẻ thì người ta không chịu tiết kiệm nhưng khi đắt đỏ, tự khắc tiết kiệm. Bởi nếu không có thói quen đó thì chỉ vài năm nữa thôi sẽ thấy hậu quả của nó. Cách đây vài năm có 1 số nghiên cứu về hướng nếu điện tăng giá thì ảnh hưởng như nào đến GDP và lạm phát, nhưng tôi nghĩ báo cáo đó chưa đánh giá đủ vì thiếu yếu tố khi tăng giá điện sẽ dẫn đến việc người ta tiết kiệm hơn.

Như quy trình (1) ---> (2) ---> (3) --> (nhân dân) ở trên thì khi tăng giá điện bán cho dân thì hoặc cả 3 phần () đều được tăng giá, hoặc chỉ nên tăng ở 1 mục () nào đó. Vậy thì nên tăng giá () nào để nhà nước được lợi nhất? Khi nhìn ra được cái đó thì CP sẽ có được chính sách cho các bạn PVN, EVN, TKV hoặc các power plant, và các nhà đầu tư cũng hiểu được các mảng nào thuận lợi để đầu tư.

Cái này để ngỏ để mọi người tìm hiểu. (hành trình này trên thế giới giống y chang, VN đi sau nên sẽ lặp lại thôi. Có điều biết trước thì tiết kiệm thời gian loay hoay với các chính sách)

1 comment:

  1. Trời đất, anh pero chơi quả khăm quá, hehe, post đến đoạn cuối rồi không nói nốt lại bắt tự tìm hiểu :))

    ReplyDelete