19.6.10

Mất điện !

Hồi đầu tháng 4, các bạn EVN kêu ầm trời rằng năm nay nhờ các bạn dầu khí tăng công suất nhiệt điện chạy khí.  Vì năm nay các bạn ấy tích nước thủy điện Sơn La. Đùng cái, cùng lúc đó là các dự án khí đều có dấu hiệu sụt giảm sản lượng hoặc sự cố. Tức là khí của PVN để chạy nhà máy điện cũng sụt giảm và thiếu. Đã nghèo lại gặp cái eo. Dù biết rằng năm nay sẽ thiếu điện nghiêm trọng, nhưng cứ mở báo ra thấy tin mất điện, và nắng nóng là lại thấy quê ta khổ quá.

Nguồn cung cấp điện ở VN nôm na như này: thủy điện + nhiệt điện.
Thủy điện thì chủ yếu là của các bạn EVN. Các bạn thủy điện khác đa số là tư nhân, nhỏ và đang xây.
Thủy điện thì nhiều điện vào mùa mưa và ít vào mùa khô. Được cái giá bán điện của thủy điện cho EVN thấp.

Nhiệt điện thì gồm có than + khí. Than chủ yếu các bạn EVN. Còn khí thì chủ yếu là các bạn PVN. Giá nhiệt điện chạy khí thì cao, nên EVN chỉ mua khi các nguồn khác của họ bị thiếu. Thông thường vào mùa mưa, thủy điện nhiều, EVN chỉ mua điện từ PVN với lượng vừa đủ cho chỗ thiếu. Còn khi mùa khô, thủy điện thiếu thì EVN mua điện hết công suất của PVN.

Năm nay, do tích nước cho hồ thủy điện Sơn La nên ngay cả trong mùa mưa cũng đã thiếu điện. Nên dạo tháng 4, các bạn EVN đề nghị mua đủ công suất khí điện của PVN. Bạn PVN cũng chạy full công suất khí nhưng lại gặp vài rủi ro trong khai thác khí. Và thế là chỉ cần trục trặc của bạn PVN + thời tiết khô hạn thì càng dẫn đến lao đao.
Và đó là sự việc hiện nay. Mất điện ở HN với lý do chuẩn bị cho 1000 năm chỉ là 1 lý do nhỏ thôi, vì khắp nơi mất điện từ đêm đến sáng mà. Chủ yếu là điều tiết thôi. Các tỉnh ngoài HN mất điện luân phiên từ tháng 4 đến giờ.

Thói quen đầu tư CK nên tôi hay nghĩ xa xôi hơn 1 chút.

Tích nước thủy điện chắc không thể chỉ trong năm nay mà sẽ tích nước liên tục cho đến khi nhà máy Sơn La đi vào hoạt động. Tức là cả năm sau nữa. Còn các dự án nhiệt điện chạy khí của PVN đã chạy hết công suất rồi. Vào mùa khô mà PVN thêm hoạt động bảo dưỡng hoặc sự cố là điện càng nhốn nháo hơn. Vì công suất cung chỉ có hướng giảm, chứ không có hướng tăng trong năm nay.

Mà mùa khô ở trong Nam tức là mùa đông ở ngoài Bắc. Mùa đông mà thiếu điện thì cũng mệt với các hệ thống nước nóng, lò sưởi.
Tôi cho rằng mùa đông năm nay vẫn sẽ thiếu điện nghiêm trọng như hiện nay. Và điều cần làm bây giờ là các bạn ở miền Bắc nên chuẩn bị đối phó với thiếu điện vào mùa đông, nhất là với các hệ thống làm nóng. Có lẽ lắp hệ thống bình nóng lạnh năng lượng mặt trời là giải pháp không tệ. Còn những vấn đề khác để giữ nhiệt trong mùa đông thì tôi cũng chưa nghĩ ra. Tuy nhiên tôi thấy thì nếu mùa hè mà đi lại, phơi nắng, hấp thụ nhiệt nhiều thì sức đề kháng với cái lạnh vào mùa đông cũng tăng lên nhiều.

Còn 1 cách nữa là cầu Chúa cho mùa đông năm nay đừng lạnh hoặc đừng biến đổi khí hậu nhiều.

8.6.10

Đường sắt cao tốc

Có lẽ chủ đề đường sắt cao tốc khá nóng và cũng không phải mới bắt đầu. Thấy bảo đưa ra Quốc hội, tôi từng nghĩ rằng dù sao cũng nể các bạn Nhật 1 tí vì đã trót hứa rồi, chiêng trống rùm beng để các bạn ấy thấy là mình cũng rộn ràng, máu lắm, chỉ tại Quốc hội không cho mà thôi. Cũng chỉ nghĩ là 1 trò đùa hơi dai thôi.

Thế mà chiều nay mở báo mạng ra, bất ngờ vì Quốc hội mất nhiều thời gian họp về vấn đề này quá. Phát biểu cảm tính đến mức phải bực mình. Chẳng thà cứ uýnh nhau như bên Hàn Đài còn vui. Trò đùa có vẻ quá mức cần thiết rồi.

Bàn về giao thông trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, tôi nghĩ các đại biểu chỉ cần đọc vài tài liệu về sự phát triển hệ thống giao thông trong phát triển kinh tế của 2 nước là Mỹ (thế kỷ 19-20) và Trung Quốc (30 năm cải cách). Chỉ khoảng 40-50 trang giấy thôi. Có bao nhiêu bài học lịch sử để học rồi mà người ta ít chú ý quá.
Còn bài học về sự lãng phí khi đầu tư giao thông không đúng mức? Có hệ thống, đường sắt BAM của Liên Xô và đặc biệt là những con đường tráng lệ, có chỗ dát vàng của Tây Ban Nha (lấy vàng từ Châu Mỹ) thế kỷ 16, để rồi sụp đổ cả 1 đế chế hùng mạnh nhất thế giới hồi đó...

Tôi tin chắc rằng dự án này không thành công vì lý do tiền đâu mà làm. Bác ĐSVN nói thì thế thôi, chứ đến cả mấy bác dầu khí, đóng góp 25-30% GDP mà đang còn không đủ vốn để thực hiện các dự án, đâu như mỗi năm cần thêm 3-4 tỷ USD mới đủ. VN muốn xây cái ĐSCT đó thì chắc cũng cần có vốn đối ứng. Lấy đâu ra tiền nhỉ. Càng to còi khéo càng lộ yếu huyet ngân sách thôi.